Cuộc sáp nhập gây tranh cãi

|

Hãng Uber mới đây thông báo đã chuyển giao toàn bộ hoạt động dịch vụ gọi xe theo ứng dụng công nghệ tại khu vực Đông - Nam Á cho hãng Grab, chính thức rút khỏi cuộc cạnh tranh khốc liệt với đối thủ Grab tại thị trường nhiều tiềm năng này. Ngay lập tức, một loạt quốc gia Đông - Nam Á bày tỏ lo ngại rằng, cuộc sáp nhập sẽ dẫn đến tình trạng độc quyền trên thị trường và khiến người tiêu dùng chịu tổn hại.

Nhiều quốc gia Đông - Nam Á đã sớm nhận ra nguy cơ tiềm ẩn đằng sau cuộc sáp nhập của hai hãng dịch vụ và tuyên bố mở cuộc điều tra nhằm ngăn chặn tình trạng độc quyền trên thị trường gọi xe theo ứng dụng công nghệ. Singapore là quốc gia Đông - Nam Á đầu tiên yêu cầu Grab và Uber không được tiến hành các bước sáp nhập hoạt động kinh doanh trong thời gian cơ quan chức năng điều tra thương vụ nói trên. "Quốc đảo sư tử” ngăn chặn cuộc sáp nhập giữa Grab và Uber do lo ngại thỏa thuận nói trên sẽ tạo ra cơ chế độc quyền cho hãng Grab. Ủy ban cạnh tranh Singapore (CCS) đã chính thức khởi động một cuộc điều tra nhằm vào thương vụ Grab - Uber và đề xuất các biện pháp tạm thời để yêu cầu Grab duy trì mức giá dịch vụ như thời điểm trước khi diễn ra thương vụ này. Đáng chú ý, đây là lần đầu CCS áp đặt biện pháp tạm thời như vậy đối với một doanh nghiệp hoạt động ở Singapore.

Ngay sau Singapore, Malaysia cũng tuyên bố đưa hãng công nghệ vận tải Grab vào danh sách các doanh nghiệp bị giám sát chống cạnh tranh, đồng thời cảnh báo rằng, Ủy ban cạnh tranh sẽ ra các biện pháp cần thiết đối với Grab, nếu hãng có những hoạt động cạnh tranh không công bằng hay tăng phí đột ngột. Bộ trưởng Nội vụ Malaysia N. Shukri khẳng định, việc giám sát là cần thiết để bảo đảm cạnh tranh công bằng trong mảng dịch vụ vận tải, tránh các vấn đề gây tổn hại tới lợi ích của người tiêu dùng. Bà N.Shukri nhấn mạnh, trong trường hợp có hiện tượng chống cạnh tranh, Đạo luật cạnh tranh của Malaysia sẽ ngay lập tức có hiệu lực.

Philippines cũng bày tỏ lo ngại trước thương vụ giữa Grab và Uber. Ủy ban cạnh tranh của Philippines cho rằng, thỏa thuận giữa Grab và Uber sẽ giúp Grab có lợi thế độc quyền trên thị trường dịch vụ gọi xe và nhiệm vụ của Ủy ban là xác định rõ xem thỏa thuận này có làm giảm sức cạnh tranh hay không. Ông J.Bernabe, thành viên của Ủy ban cạnh tranh Philippines nêu rõ, ngoài thương vụ Grab - Uber, Ủy ban đang xem xét cấp giấy phép hoạt động cho ít nhất ba ứng dụng gọi xe tại Philippines. Còn tại Indonesia, cơ quan chống độc quyền cho biết đang chuẩn bị biện pháp đối phó hợp lý sau khi thỏa thuận chuyển giao giữa Grab và Uber hoàn tất.

Trước những lời cảnh báo của một loạt quốc gia Đông - Nam Á, người đứng đầu hãng Grab tại Singapore K.Jay tuyên bố không thay đổi hệ thống cước phí và cam kết luôn đặt quyền lợi của người tiêu dùng lên trên hết. Tuy nhiên, chính quyền cũng như người dân các nước không dễ gì xóa bỏ tâm lý lo ngại về sự độc quyền trên thị trường bởi từ lời nói đến hành động là khoảng cách lớn. Với việc thâu tóm Uber tại thị trường Đông - Nam Á, Grab đã trở thành đơn vị cung cấp dịch vụ gọi xe qua ứng dụng công nghệ lớn nhất tại thị trường này, tiếp quản hàng trăm nhân viên cùng đội ngũ tài xế đối tác dồi dào của Uber.

Kết quả một cuộc khảo sát tại Singapore mới đây cho thấy, hơn 50% số người Singapore được hỏi tán thành việc cơ quan chức năng giám sát thương vụ sáp nhập Uber - Grab. Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và ngăn chặn tình trạng độc quyền, chắc chắn thời gian tới các nước Đông - Nam Á sẽ theo dõi sát hoạt động của Grab để có những bước đi kịp thời.