Điều kiện thuận lợi để Việt Nam triển khai thanh toán di động

|

NDO - NDĐT - Ngày 23-5, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì tổ chức Hội thảo “Tiền điện tử trên thuê bao di động nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện”. Với việc đã có 90 nước chấp nhận tiền điện tử trên thuê bao di động, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu cho rằng, đây là điều kiện thuận lợi để triển khai dịch vụ.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hết năm 2018, thế giới đã có 90 nước chấp nhận Mobile Money, gần 900 triệu người dùng, giao dịch mỗi ngày là 1,3 tỷ USD, tăng trưởng 20%, riêng châu Á tăng trưởng 31%. Có nhiều nước, tỷ lệ người dân sử dụng Mobile Money lên tới trên 50%.

Năm 2019, nếu Việt Nam cấp phép thử nghiệm Mobile Money, thì chúng ta là nước thứ 91 có nền tảng thanh toán Mobile Money. Như vậy, Việt Nam không phải các nước thuộc nhóm đầu chấp nhận một nền tảng mới do công nghệ tạo ra. Tuy nhiên, đi sau thì thuận lợi là có thể học hỏi từ những kinh nghiệm đi trước về cách thức triển khai. Với hiệu quả đã nhìn thấy rõ, khung pháp lý cũng đã hình thành, đây là điều kiện thuận lợi cho Việt Nam triển khai dịch vụ.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chúng ta đã nói nhiều tới thương mại điện tử, đến khởi nghiệp, đến đổi mới sáng tạo, nhưng lại quên nói đến một trong những nền tảng quan trọng nhất để thúc đẩy chúng là nền tảng thanh toán. Muốn một dịch vụ nào đó phổ biến đến 100% người dân thì đầu tiên là nền tảng thanh toán phải đến được 100% người dân. Không có phương tiện nào có thể thực hiện việc này tốt hơn là di động, là Mobile Money. Ở Việt Nam, tỷ lệ người dùng thẻ tín dụng còn thấp, nhưng mật độ thuê bao di động thì đã trên 100% từ nhiều năm nay.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, nhiều người dân bị gạt ra ngoài hệ thống tài chính chính thống, đó là những người nghèo ở nông thôn, người dân ở vùng sâu, vùng xa. Mobile Money sẽ là giải pháp để đưa họ tiếp cận tới các dịch vụ mang tính đổi đời trên nền tảng internet như y tế, giáo dục, tài chính, việc làm, an sinh xã hội. Hơn nữa, Mobile Money thâm nhập thị trường nông thôn và số hóa chuỗi giá trị nông nghiệp.

Bên cạnh đó, hiện nay tại Việt Nam, 99% các giao dịch dưới 100.000 đồng là bằng tiền mặt. Mobile Money sẽ là giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Như vậy, công nghệ có thể giúp giải quyết rất nhiều vấn đề của đất nước.

“Triển khai và phát triển dịch vụ Mobile Money sẽ làm xuất hiện rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực số, những công ty khởi nghiệp công nghệ. Mobile Money sẽ là phương thức thanh toán phổ biến nhất được chấp nhận bởi các công ty khởi nghiệp. Chúng ta kỳ vọng Mobile Money sẽ góp phần bùng nổ các start-up Việt Nam”, Bộ trưởng nói.

Tuy còn nhiều vướng mắc về vấn đề pháp lý cần phải được giải quyết, những thách thức, rủi ro đi kèm, nhưng lợi ích của Mobile Money là lớn hơn rất nhiều.

Hội thảo diễn ra trong hai ngày 23 và 24-5, tập trung vào các chủ đề: Tổng quan về tiền di động; Thách thức, quản trị rủi ro và các vấn đề pháp lý đối với tiền di động; Trung gian thanh toán và các vấn đề về tiền di động ở Việt Nam; Triển khai tiền di động tại một số nước, kinh nghiệm từ các nhà quản lý và doanh nghiệp quốc tế; Giải pháp của doanh nghiệp trong cuộc cách mạng thanh toán số tại Việt Nam.

Tại hội thảo, các đại biểu, các doanh nghiệp được nghe các diễn giả trong nước và quốc tế giới thiệu về tiền di động và báo cáo thực trạng ngành tiền di động trên thế giới và những xu hướng mới nhất liên quan đến tiền di động, trong đó tập trung hướng tới lợi ích của tiền di động đối với người dân, chính phủ và nền tài chính toàn diện quốc gia.

Hội thảo cung cấp những kiến thức cơ bản về tiền di động, kinh nghiệm triển khai và bài học rút ra từ việc cung cấp dịch vụ tiền di động của một số nước trên thế giới, đồng thời đưa ra một số khuyến nghị để Việt Nam có thể học hỏi, áp dụng nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện và hỗ trợ quá trình chuyển đổi số.