Theo Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn, với đặc thù của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam hiện vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Xu thế dịch chuyển các hoạt động sản xuất từ đô thị về khu vực nông thôn, nhất là các loại hình có nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cao; các dòng chất thải dịch chuyển từ đô thị về nông thôn để tái chế, xử lý; nhu cầu hàng hóa gia tăng, nên khu vực nông thôn phải gánh chịu nhiều hậu quả của tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, kích thích tăng trưởng, diệt cỏ và rất nhiều các hóa chất khác gây áp lực không nhỏ đến môi trường nông thôn.
Trong khi đó, nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường rất hạn chế, chất thải từ hoạt động sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chưa được thu gom, phân loại, xử lý kịp thời; tình trạng đốt phụ phẩm nông nghiệp, rơm rạ sau thu hoạch tại cánh đồng diễn ra rất phổ biến mà chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 đã nêu rõ: “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.
Bên cạnh đó, các chính sách về quản lý chất lượng môi trường, nhất là chính sách về bảo vệ môi trường nông thôn đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó lấy chất lượng môi trường nông thôn là nền tảng, là mục tiêu để bảo vệ như: thực hành sản xuất sạch và an toàn; tận thu vòng tái sử dụng các sản phẩm phụ, vật chất thải bỏ, chất thải; các khu vực có nguy cơ bị ô nhiễm, nhất là các nguồn nước được theo dõi, ngăn chặn ô nhiễm, cải thiện và phục hồi chất lượng môi trường,…
Ngày 22/11/2017, Hội Nông dân Việt Nam cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường ký Chương trình phối hợp số 48-2017/CTPH-HND-BTNMT trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2018-2023. Trọng tâm của chương trình phối hợp là tuyên truyền, vận động cộng đồng tham gia thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn, nước thải sinh hoạt, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp, chất thải làng nghề, xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn xanh-sạch-đẹp.
Các cấp Hội thường xuyên phát động và tuyên truyền về các chủ đề như: “Chương trình ngày thứ bảy nghĩ xanh, mua sạch”; “Đẹp nhà, Sạch đường, Sạch đồng ruộng”; “Nói không với túi ni-lông”… Các cấp Hội cũng đã chủ động phối hợp các nhà khoa học, các nhà quản lý, các nhà xuất bản để in ấn và phát hành hàng vạn cuốn tài liệu, tờ gấp, tờ rơi… cung cấp cho cán bộ hội viên nông dân, trong đó có các ấn phẩm như: “Hỏi đáp về môi trường”; “Cẩm nang về môi trường”; “Giới thiệu những mô hình hay trong bảo vệ môi trường”; “Hướng dẫn thu gom, xử lý rác”; “Hướng dẫn sử dụng an toàn thuốc bảo vệ thực vật”.
Mặt khác, sự tham gia của Hội Nông dân và hội viên nông dân tại các địa phương đã đóng một vai trò rất quan trọng trong tư vấn, phản biện cơ chế, chính sách, luật pháp liên quan đến tài nguyên môi trường, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật về tài nguyên môi trường; tham gia phát hiện và giải quyết, xử lý các vi phạm pháp luật về tài nguyên môi trường trên địa bàn nông thôn.
Đồng thời, xây dựng thành công và nhân rộng nhiều mô hình cải tạo cảnh quan ở thôn, bản, ấp như: Mô hình dòng sông không rác; mô hình biến bãi rác thành vườn hoa; mô hình tuyến đường xanh-sạch-đẹp; mô hình tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, giảm nghèo bền vững..., đã góp phần tạo nên một diện mạo mới ở nông thôn.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho rằng, để từng bước nâng cao chất lượng môi trường khu vực nông thôn ở nước ta hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các cấp Hội nông dân tích cực tuyên truyền, giáo dục, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong nhận thức và hành động của toàn xã hội nói chung và hội viên nông dân cả nước nói riêng về quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; lồng ghép việc thực hiện các chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường trong các mô hình, hoạt động phong trào của các cấp hội.
Tập trung nguồn lực giải quyết hiệu quả các vấn đề môi trường nông thôn, đặc biệt là xử lý nước thải làng nghề; cải tạo, phục hồi môi trường các lưu vực sông, hồ chứa, công trình thủy lợi bị ô nhiễm; thực hiện hiệu quả việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, bao bì, thuốc bảo vệ thực vật, giảm thiểu chất thải nhựa; tái chế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vi sinh, hữu cơ trong canh tác và phát triển kinh tế nông nghiệp; bảo đảm cung cấp nước sạch cho người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên, đặc biệt là các hệ sinh thái rừng, đất ngập nước, rạn san hô, thảm cỏ biển.
Mặt khác, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho việc đổi mới, phát huy, vai trò, vị trí của nông dân và các cấp hội để cùng chung tay, góp sức thực hiện mục tiêu phát triển “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin hoặc các nền tảng trực tuyến để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và các nguồn lực giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Hội Nông dân Việt Nam và cộng đồng nông dân. Đặc biệt, thúc đẩy phát triển, ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; đề xuất chính sách thu hút các dự án đầu tư sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng và tài nguyên trong nông nghiệp.